Duyên Tri Ngộ - Đoạn 1: Gặp Mộng Bình Sơn
- Chi tiết
- Thầy Đào Đức Chương
- Lượt xem: 1061
Tôi bỏ vùng kinh tế mới ở Bình Long, về Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian này, tôi suy nghĩ mãi, chẵng lẽ mình chịu chết già để rồi mục nát với cỏ cây hay sao? Món nợ “Cơm cha, Áo mẹ, Chữ thầy,” quên hết hay sao. Bài thơ Quê Tôi viết năm 1960, lúc tôi học ở Huế (1960), vẫn còn đó:
Tôi lớn lên trong vườn khoai ruộng thóc
Đọt rau bùi, trái chín ngọt tình thương...
Nhờ hai buổi trường làng, tôi biết đọc
Luyện tay mềm, tôi viết chữ “Quê Hương.”
(Trích Quê Tôi, đoạn 8)
Cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, không còn cầm phấn trên bục giảng, tôi phải cầm bút tô điểm cho Quê Hương. Đề tài đầu tiên tôi viết trong thời kỳ này là “Thổ Âm Và Thổ Ngữ Bình Định” và đang biên soạn đề tài “Thể Thơ Đường Luật.” Hai đề tài đó hợp với hoàn cảnh biên soạn của tôi lúc ấy, là không có tài liệu tham khảo. Vốn liếng về thổ âm và thổ ngữ Bình Định, tôi đã góp nhặt vào trí nhớ trong 12 năm dạy học tại quê nhà thường tiếp xúc dân chúng vùng An Nhơn và Tuy Phước; lúc tù “cải tạo” ở K 18 (Kim Sơn, Bình Định) hằng ngày gần gũi với đồng hương khắp tỉnh cùng cảnh ngộ. Còn với thể thơ Đường luật, kiến thức đã có sẵn trong đầu bởi những năm tháng dạy môn Quốc văn, mỗi lần bình giảng một bài thơ luật Đường của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,… tôi thường đề cập đến 10 luật cấm của thơ này; nào Luật Bằng trắc, Niêm, Vận, Đối, Khổ độc, Diễn đề, Phạm đề, Nhất khí, Trùng chữ, Trùng ý, và Kết cấu. Vâng, với tôi, các đề tài này không cần tài liệu, vẫn có thể tạm viết được, rồi chờ dịp tham khảo tài liệu sẽ bổ sung để được phong phú hơn.